Ngành logistics là gì? Thậm chí vẫn còn khá ít người hiểu rõ về định nghĩa của nó. Đồng ý rằng bạn có thể tìm hiểu một vài điều cơ bản qua Google. Nhưng tin tôi đi, kiến thức đó chưa đủ giúp bạn thành công. Thế nên, hãy bắt đầu từ những điều mà… ai cũng có thể tìm hiểu trên Google. Những người làm trong ngành logistics là những người chịu trách nhiệm về chuỗi cung ứng của một tổ chức hoặc doanh nghiệp.
Công việc cụ thể bao gồm: xây dựng và phát triển mối quan hệ giữa doanh nghiệp với các nhà phân phối, đảm bảo hàng hóa được vận chuyển đúng nơi đúng lúc, tìm cách giảm thiểu chi phí vận chuyển và cuối cùng là thấu hiểu nhu cầu của khách hàng. Phần trên có giống với những gì bạn tự tìm hiểu không? Nếu đến đây bạn cảm thấy hứng thú và muốn trở thành chuyên gia về logistics, thì 7 bí mật dưới đây sẽ là những thứ bạn nên biết từ góc nhìn của những chuyên gia đi trước – những điều mà chưa chắc bạn sẽ tìm thấy trên Google.
LOGISTICS LÀ MỘT NGÀNH RỘNG LỚN VÔ CÙNG
Trong thời thơ ấu, chắc chẳng ai mơ ước được làm việc trong lĩnh vực này, bởi nó là một ngành ít người quan tâm hoặc thậm chí biết đến. Nhưng sự thật là đây lại là một ngành đóng vai trò quan trọng trong kinh tế nói chung và cuộc sống nói riêng. Để có một con số làm ví dụ, vào năm 2013, trung bình mỗi ngày hệ thống vận tải của nước Mỹ đã chuyển đi 55 tấn hàng hóa, với tổng giá trị lên đến gần 50 tỷ USD. Chi phí cho ngành logistics tại nước này cũng đã tăng lên 1.48 nghìn tỷ USD vào năm 2015. Điều đó cho thấy sức hút mạnh mẽ (nhưng ít ai nhận thấy) của ngành công nghiệp này.
ĐỘI NGŨ LOGISTICS LUÔN THIẾU NGƯỜI !?
Mới nghe thì thấy có vẻ vô lý, nhưng đây lại là góc khuất mà các doanh nghiệp lớn thường bỏ qua. Trong khi ai cũng quan tâm đến các vị trí trong đội ngũ marketing hay tài chính, thì logistics dường như lại là mảng bị “nằm ngoài vùng phủ sóng”. Kết quả là các nhà tuyển dụng luôn gặp khó khăn khi tìm người phù hợp cho vị trí này. Theo một bài báo trên trang Fortune.com, ngành logistics cần thêm khoảng 1.4 triệu việc làm cho đến năm 2018 này, và con số trên sẽ còn tăng. Lượng việc làm gia tăng, cùng với sự thiếu hụt nhân lực hứa hẹn nhiều cơ hội hấp dẫn cho những người muốn tham gia ứng tuyển cho một vị trí trong đội ngũ logistics, tại bất kỳ doanh nghiệp nào.
MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC ĐA DẠNG
Người làm logistics thường phải đối mặt với nhiều công việc khác nhau hàng ngày, và cũng vậy với nơi làm việc. Từ nhà máy, xưởng sản xuất đến văn phòng. Thậm chí đôi khi là tại các điểm kiểm tra, bốc dỡ hàng hóa như sân bay hoặc cảng biển. Mỗi nơi đều có sự phân bố nhất định về nhân sự. Vì vậy, việc tìm hiểu kỹ về các địa điểm làm việc của doanh nghiệp là điều vô cùng quan trọng.
ÁP LỰC CAO
Là một người làm logistics, rất nhiều người quản lý trong chuỗi cung ứng sẽ phụ thuộc vào bạn. Sự chăm chỉ và một kế hoạch làm việc hợp lý của bạn sẽ giúp tất cả các mắt xích trong chuỗi cung ứng vận hành trơn tru. Cùng với đó là khả năng ứng phó với các tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Bản thân ngành logistics đã là một lĩnh vực đầy thách thức, bởi phần lớn thất bại đều đến từ trong quá trình vận hành. Bất kỳ công đoạn nào gặp trục trặc cũng có thể dẫn đến những kết quả không mong muốn. Nhưng đừng quên rằng thách thức càng nhiều, cơ hội cũng càng lớn.
ĐÂY LÀ MỘT TRONG NHỮNG “CÔNG VIỆC THƯƠNG MẠI TUYỆT VỜI NHẤT”
Thật vậy, báo cáo được đăng trên tờ U.S News & World đã cho biết logistics đứng thứ 6 trong top các ngành thương mại hàng đầu, và đứng thứ 26 trong top các ngành nghề nói chung, xét trên các yếu tố mức lương trung bình, chế độ đãi ngộ và mức độ áp lực. Con số thống kê trên thực sự đã gây hứng thú và bất ngờ cho rất nhiều người có ý định làm việc trong ngành này.
GIÁO DỤC LÀ BƯỚC ĐI QUAN TRỌNG ĐẦU TIÊN
Bạn tự đánh giá khả năng thăng tiến của mình bằng cách nào? Bằng chính kết quả học tập của mình! Một phần mềm thống kê dựa trên thời gian thực đã khảo sát 50,000 bài đăng tuyển dụng của ngành logistics trong năm 2016. Kết quả cho thấy 76% các nhà tuyển dụng ưu tiên ứng viên đã có bằng cử nhân chính quy (bachelor degree). Phần mềm cũng chỉ ra rằng các bằng cử nhân từ các chương trình học chuyển tiếp (associate degree) chỉ giúp bạn ứng tuyển cho một vài vị trí, trong khi bằng cử nhân chính quy có giá trị cao hơn nhiều, căn cứ vào tính chất phức tạp ngày càng tăng của ngành nghề này.
Động lực cũng là một yếu tố khác khiến cho ứng viên lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng. Họ luôn tìm kiếm những người vừa gắn bó lâu dài với công việc, vừa có khả năng thay thế cho chính mình trong tương lai, hiểu đươc tinh thần của công việc và sẵn sàng tiếp nhận các kiến thức chuyên sâu.