Cũng giống như mọi cuộc hành trình khác, việc xây dựng sự nghiệp cá nhân là một quãng đường dài, một chuỗi kết nối các ‘điểm’ kiến thức, kỹ năng, ý chí và rất nhiều yếu tố khác. Tất cả các ‘điểm’ này đều quan trọng như nhau và nếu thiếu bất kỳ điểm nào, có thể khiến cho cuộc hành trình của bạn không hoàn chỉnh. Hãy xem xét xem Pitching – một yếu tố không thể thiếu trong kỹ năng giao tiếp kinh doanh và xã hội, có phải là điểm yếu của bạn không?
Pitching là gì và ai cần pitching?
Khi bạn thuyết phục bố mẹ đầu tư cho bạn một khoản tiền để đi học, thực ra bạn đang thuyết phục họ mua sự tin tưởng vào thành công và sự thay đổi tích cực của bạn sau khóa học.
Khi bạn giới thiệu đối tác tiềm năng cho bạn ế bền vững của mình, thực ra bạn đang giới thiệu một quả bom nổ chậm.
Khi bạn tự ứng cử một vị trí trong tổ chức sinh viên và gửi email giới thiệu về bản thân cho nhà tuyển dụng, bạn đang bán lòng tin vào khả năng tạo ra giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, tổ chức.
Khi bạn trình bày một đề xuất dự án mới trước đồng nghiệp và sếp, thực ra bạn đang bán ý tưởng của mình.
Bạn luôn ‘bán’ một sản phẩm, một thông tin nào đó hàng ngày, hàng giờ. Nhiều hơn một kỹ năng kinh doanh, Pitching là một kỹ năng giao tiếp xã hội mà bạn đã sử dụng hàng ngàn lần mà đôi khi chính cũng không hề hay biết.
Pitching (Sales pitch) được hiểu một cách đơn giản nhất là “chào hàng”. Pitching cần sự đáp lại của người nghe bằng HÀNH ĐỘNG, đa phần là mua hàng. Khi người nghe bị thuyết phục bởi thông điệp của bạn, đó cũng là khi bạn đã thành công trong việc chào hàng. Tất cả chúng ta đều bán một sản phẩm nào đó mỗi ngày. Bán sao cho có người mua, phụ thuộc rất nhiều vào cách “chào hàng”.
Tại sao kỹ năng pitching lại thiếu thốn và yếu kém ở các bạn trẻ Việt?
Không thể phủ nhận pitching là một kỹ năng hữu ích với tần suất sử dụng dày đặc, nhưng vẫn chưa nhiều các bạn trẻ Việt có thể sử dụng một cách thuần thục. Nguyên nhân có thể do pitching chưa được chú trọng trong chương trình đào tạo ở trường học, bạn chưa nhận ra tầm quan trọng của pitching hoặc chưa có nhiều cơ hội rèn luyện kỹ năng này. Nếu bạn chưa hài lòng với kỹ năng chào hàng của mình, hẳn bạn đã thuộc nằm lòng “bộ đề cương trượt pitching” sau đây:
- Không chỉ cho khách hàng của bạn thấy những lợi ích mà họ sẽ nhận được
Bạn đầy nhiệt huyết với sản phẩm của mình nhưng bỏ qua xem đối tác có hứng thú không. Người nghe không thể bị thuyết phục nếu không thấy lợi ích của sản phẩm bạn đang bán. Hoặc lợi ích đó chưa đủ hấp dẫn.
-
Thiếu một câu chuyện hấp dẫn
Hãy tưởng tượng bạn chỉ có 30 giây đến 1 phút để thu hút sự chú ý vào sản phẩm bạn muốn bán. Những thông tin dài dằng đẵng có thu hút họ không? Trong thời đại mỗi giây đều quý giá, việc cung cấp thông tin chọn lọc sẽ tiết kiệm thời gian của đôi bên. Bạn đã có một câu chuyện ngắn gọn, có điểm nhấn để ‘hút’ khách hàng chưa?
-
Quên mất lời kêu gọi hành động
Được rồi, giả sử bạn đã rất hiểu về đối tượng khách hàng và sản phẩm của mình, đã kể một câu chuyện vô cùng hấp dẫn với những thông tin và số liệu thuyết phục khiến người nghe không thể rời tai rời mắt đến dấu ngắt nghỉ cuối cùng. Nhưng rồi bạn quên mục tiêu cuối cùng là kêu gọi hành động cụ thể. Người nghe cảm thấy mất hứng và bối rối: “Bài thuyết trình của bạn rất tốt, nhưng sau này chúng tôi nên làm gì”?
Một ví dụ nhỏ, trong tập 4 của chương trình thực tế Thương vụ bạc tỷ Shark Tank Việt Nam, sau màn giới thiệu sản phẩm âm nhạc, CEO của Adam Muzic trong phần Trình bày của mình thậm chí đã quên mất mình đến chương trình để kêu gọi số vốn bao nhiêu cho bao nhiêu % cổ phần công ty, đến khi các nhà đầu tư hỏi đến, bạn trẻ này mới ngần ngại thừa nhận mình đã quên mất thông tin quan trọng này.
Nếu chưa tự tin làm chủ kỹ năng chào hàng hoặc nhận ra mình còn gặp phải những lỗi cơ bản nêu trên, đã đến lúc bạn lên đường đi tìm điểm yếu mang tên “Trình bày” và điền nó vào những khoảng trống trên hành trình xây dựng sự nghiệp cá nhân của bạn.